“Bono Bono và các bạn” đem đến cho độc giả những câu chuyện hài hước, đáng yêu, đồng thời cũng đầy chiêm nghiệm về đời sống của con người và tự nhiên.
Bono Bono và các bạn là một bộ manga Yonkoma của Mikio Igarashi. Bộ truyện được bắt đầu đăng trên tạp chí manga Tensesh Club của Takeshobo từ tháng 3/1986 đến tháng 3/1987, và được xuất bản từ tháng 4/1987.
Bono Bono và các bạn cũng được đăng trên Manga Life từ tháng 4/1986. Bộ truyện cũng được chuyển thể thành anime và trò chơi điện tử.
Câu chuyện của Bono Bono Và Các Bạn
Nhân vật chính của bộ truyện tranh Bono Bono và các bạn là một chú rái cá thích suy nghĩ, sống cùng bố ở trong một hồ nước giữa khu rừng nhỏ, có những người hàng xóm vui nhộn, thân thiệt, như Sóc vằn, bác Mèo rừng, Sóc chó, Gấu mèo, Lửng, mẹ con Gấu nâu…
Mỗi nhân vật đều mang một tính cách riêng biệt, độc đáo, cùng nhau tạo nên những câu chuyện vui nhộn, hài hước, đồng thời cũng thể hiện nhiều những tầng sâu ý nghĩa về cuộc đời và con người.
Bono Bono và các bạn là manga được sáng tác theo thể loại yonkoma. Đây là một thể loại truyền thống trong manga, thường có các trang gồm bốn khung sắp xếp theo chiều từ trên xuống, theo một bố cục nhất định gọi là Kishotenketsu.
Sắp xếp theo tiếng Nhật có nghĩa cụ thể. Ki là khung đầu tiên làm cơ sở cho câu chuyện, Shou là khung thứ hai tiếp nối câu chuyện được viết ở khung đâu tiên, Ten là khung thứ ba, một đoạn cao trào, trong đó phát triển một tình huống bất ngờ, Ketsu là khung cuối đảm nhận phần kết, giải quyết tình huống ở khung thứ ba.
Khi nắm rõ được cấu trúc của thể loại yonkoma, người đọc có thể dễ dàng tiếp cận ý nghĩa câu chuyện của Bono Bono hơn.
Cuộc sống ở khu rừng nơi Bono Bono và các bạn sinh sống hàng ngày là rất giản dị, bình thường, nhưng ở đó luôn có những bất ngờ thú vị khiến độc giả thích thú.
Ví như chuyện Bono làm vỡ mất viên đá mà chú rất thích, và chú cảm thấy rất buồn. Bố Bono đã khuyên chú nên vứt viên đá bị vỡ và đi tìm một viên đá khác. Trên đường đi tìm viên đá, Bono đã nhận được sự trợ giúp của Sóc vằn, bác Mèo rừng, Chuột sóc….
Ai cũng rất nhiệt tình muốn tìm cho chú một viên đá khiến chú thích thú, nhưng đi mãi cho đến tận ra biển, Bono vẫn chưa biết chọn viên đá nào. Chú suy nghĩ rất mông lung, với vẻ ngoài rất nghiêm túc, chú ngắm nhìn tất cả những viên đá trên bờ biển, với sự trợ giúp của Sóc vằn.
Rất ngẫu nhiên, bác Mèo rừng ném một viên đá về phía Bono, và chú nhận thấy trên mặt viên đá này bị mẻ một chút (thật giống với viên đá đã bị vỡ của chú), và chú tin chắc rằng đây là viên đá mà chú thích nhất.
“Viên đá thích tôi
Viên đá thích tôi
Tôi cũng thích viên đá
Tôi cũng thích viên đá lắm”
Hay trong phần Sóc vằn và Bono đến nhà Bozu chơi thì khám phá ra một hồ nước rất đẹp, hai chú mải mê ngắm nghía, thích thú.
Trong bốn khung hình của đoạn này là cảnh Bono ngắm phía trước và phía sau hồ nước. Phía trước hồ nước là cây xanh mướt, chân trời mênh mông, khiến chú hớn hở.
Khi ngoảnh lại phía sau, chỉ là một góc hẹp bị che lấp với gốc cây to, không có rộng mở nào phía sau. Bono ngoảnh đi ngoảnh lại bảo rằng “Phía sau hồ nước không có gì thú vị mấy nhỉ”
Những câu chuyện ngắn thú vị, với những nét vẽ đơn giản mà đầy gợi mở, chỉ với bốn khung tranh cô đọng, nhưng lại có thể kể những câu chuyện đầy thâm trầm.
Độc giả trẻ con sẽ thích thú, độc giả người lớn, sẽ vừa đọc vừa bật cười, rồi sau tiếng cười ấy, đọc đi đọc lại, ngẫm nghĩ ra bao điều hay.
Như trong phần Hồ nước, con người chúng ta đôi khi mãi nhìn về phía sau lưng, về đoạn đường đã đi qua, để rồi hoài phí đi chân trời phía trước, những điều mênh mang phía trước.
Ngoảnh lại phía sau mãi, chỉ khiến ta dễ bị cầm tù trong những chật chội, nên phía sau có lẽ là chỗ dựa lưng vào cho vững chãi, để phóng thẳng về phía trước. Ý nghĩa ấy, chính là điều khiến độc giả bao nhiêu năm nay, qua nhiều thế hệ vẫn yêu thích Bono Bono và các bạn.
Góm gém mỗi mẩu truyện trong bốn khung tranh, cũng giống như những bài thơ haiku, chỉ với ba câu thơ mà gợi nên được bao ý nghĩa.
Khắc họa nhân vật chú rái cá Bono với cá tính hay suy nghĩ cũng là điểm hấp dẫn của bộ truyện tranh. Đứng trước một vấn đề nào đó, Bono thường chìm trong suy nghĩ của mình, và càng suy nghĩ, chú càng tưởng tượng ra những điều đáng sợ khiến chú trở nên “tuyệt vọng”.
Từ chuyện suy nghĩ về việc tại sao “Gấu con chỉ bắt những con cá lại gần mình”, hay “tại sao lại không hiểu” chuyện bố dạy bảo, hay “tại sao viên đá lại nằm ở đó”…. độc giả được chứng kiến thế giới tưởng tượng rất kỳ quặc, phong phú và đáng yêu của Bono.
Chú cũng giống như rất nhiều những đứa trẻ khác, đều luôn tưởng tượng, luôn đặt câu hỏi, và suy nghĩ theo cách độc đáo của riêng chúng, mà không bị ảnh hưởng bởi những ước lệ của cuộc sống.
Một câu chuyện nhẹ nhàng, vui tươi, có nhiều nét khác biệt, độc đáo sẽ khiến độc giả được trải nghiệm những giây phút thư giãn tuyệt vời, gặp gỡ những người bạn tuổi thơ đẹp đẽ.
Giống như đã từng từng yêu mến chú mèo máy Doreamon, cô bé ngây thơ Maruko, bạn sẽ bị cuốn hút bởi chú rái cá kỳ quặc Bono ở khu rừng bé nhỏ của nước Nhật bản xinh đẹp này.
Mikio Igarashi là một họa sĩ manga Nhật Bản sinh ngày 13/1/1955 tại thị trấn Nakaniida (nay là Kami), quận Kami, tỉnh Miyagi. Ông nổi tiếng với hai bộ truyện tranh Bono Bono và Ninpen Manmaru. Năm 1988, ông đoạt giải Kodansha Manga với bộ truyện Bono Bono và giải thưởng Manga Shogakukan cho trẻ em.